Đế hệ thi Đế_hệ_thi

Wikisource tiếng Việt có toàn văn tác phẩm về:

Bài Đế Hệ Thi gồm 20 chữ, dùng làm chữ lót tên cho mỗi thế hệ từ Minh Mạng trở về sau.

Nguyên văn...綿洪膺寶永保貴定隆長賢能堪繼述世瑞國嘉昌Phiên âm...MIÊN HƯỜNG[2] ƯNG BỬU VĨNHBẢO QUÝ ĐỊNH LONG TRƯỜNGHIỀN NĂNG KHAM KẾ THUẬTTHẾ THOẠI[3] QUỐC GIA XƯƠNGTạm dịch...Huân nghiệp lớn do Tổ Tiên gầy dựng,Gắng giữ gìn cho xứng ân sau.Phồn vinh thịnh đạt dài lâu,Anh tài hiền đức cùng nhau bảo toàn.Đời đời nối nghiệp tiền nhân,Nước nhà hưng vượng muôn phần phát huy.

Giải nghĩa:

  • MIÊN: Trường cửu, phước duyên trên hết
  • HƯỜNG (HỒNG): Oai hùng, đúc kết thế gia
  • ƯNG: Nên danh, xây dựng sơn hà
  • BỬU: Bối báu, lợi tha quần chúng
  • VĨNH: Bền chí, hùng anh ca tụng
  • BẢO: Ôm lòng, khí dũng bình sanh
  • QUÝ: Cao sang, vinh hạnh công thành
  • ĐỊNH: Tiền quyết, thi hành oanh liệt
  • LONG: Vương tướng, rồng tiên nối nghiệp
  • TRƯỜNG: Vĩnh cửu, nối tiếp giống nòi
  • HIỀN: Tài đức, phúc ấm sáng soi
  • NĂNG: Gương nơi khuôn phép bờ cõi
  • KHAM: Đảm đương, mọi cơ cấu giỏi
  • KẾ: Hoạch sách, mây khói cân phân
  • THUẬT: Biên chép, lời đúng ý dân
  • THẾ: Mãi thọ, cận thân gia tộc
  • THOẠI (THỤY): Ngọc quý, tha hồ phước lộc
  • QUỐC: Dân phục, nằm gốc giang san
  • GIA: Muôn nhà, Nguyễn vẫn huy hoàng
  • XƯƠNG: Phồn thịnh, bình an thiên hạ

Tuy nhiên, chưa dừng lại đó, trong Ngự chế mạng danh thi còn quy định đi kèm với mỗi chữ trong bài Đế hệ thi là một bộ chữ riêng:

Miên + (宀; miên), Hường + (亻; nhân), Ưng + (礻; thị), Bửu + (山; sơn), Vĩnh + (玉; ngọc)Bảo + (阜; phụ), Quý + (亻; nhân), Định + (言; ngôn), Long + (扌; thủ), Trường + (禾; hòa)Hiền + (貝; bối), Năng + (力; lực), Kham + (扌; thủ), Kế + (言; ngôn), Thuật + (心; tâm)Thế + (玉; ngọc), Thoại + (石; thạch), Quốc + (大; đại), Gia + (禾; hòa), Xương + (小; tiểu)

Tên đặt cho các hoàng tử lúc chưa làm Hoàng đế, bắt buộc phải dùng một chữ có bộ đó, ví dụ:

  • Thiệu Trị, tên thật Miên Tông (綿宗): có chữ lót là [Miên; 綿], và tên là [Tông; 宗 thuộc bộ miên 宀], và tất cả các anh em của Thiệu Trị cũng đều phải có tên có chữ bộ Miên cả. Sau khi Thiệu Trị lên ngôi, con của các vị hoàng tử anh em của nhà vua phải đặt tên không được có bộ [nhân; 亻], trừ các con của Thiệu Trị.
  • Tự Đức không có con, nên lấy cháu làm Thái tử. Người cháu được chọn kế vị tên là Nguyễn Phúc Ưng Ái, chữ lót thì đúng, nhưng tên không có bộ [thị; 礻], xét ra trên hoàng phổ không phải dòng họ chính của Hoàng đế, nên để được lập, Ưng Ái được đổi tên thành Ưng Chân (膺禛), chữ Chân này có bộ thị.

Với bài [Đế hệ thi], Minh Mạng mong muốn sau mình, vương triều Nguyễn sẽ truyền nối tới 20 đời, 500 năm. Nhưng cuối cùng chỉ dừng lại ở chữ Vĩnh - đời thứ 5, do 11 Hoàng đế nối tiếp thuộc cả chi khác và thế hệ trước.

  • Thế hệ đầu theo Đế hệ thi là Hoàng đế thứ 3 Thiệu Trị - Nguyễn Phúc MIÊN Tông.
  • Thế hệ thứ 2 có 2 vị vua là Hoàng đế thứ 4 Tự Đức - Nguyễn Phúc HỒNG Nhậm và Hoàng đế thứ 6 Hiệp Hòa - Nguyễn Phúc HỒNG Dật.
  • Thế hệ thứ 3 gồm 4 vị vua:
    • Hoàng đế thứ 5 Dục Đức - Nguyễn Phúc ƯNG Chân;
    • Hoàng đế thứ 7 Kiến Phúc - Nguyễn Phúc ƯNG Đăng;
    • Hoàng đế thứ 8 Hàm Nghi - Nguyễn Phúc ƯNG Lịch;
    • Hoàng đế thứ 9 Đồng Khánh - Nguyễn Phúc ƯNG Kỷ.
  • Thế hệ thứ 4 có Hoàng đế thứ 10 Thành Thái - Nguyễn Phúc BỬU Lân và Hoàng đế thứ 12 Khải Định - Nguyễn Phúc BỬU Đảo.
  • Hai vị vua thuộc thế hệ thứ 5 là Hoàng đế thứ 11 Duy Tân - Nguyễn Phúc VĨNH San và vị Hoàng đế cuối cùng (Hoàng đế thứ 13) Bảo Đại - Nguyễn Phúc VĨNH Thụy.

Các quy định trên dành cho Hoàng tử, còn đối với Hoàng nữ thì việc đặt chữ lót khác hẳn:

  • Các Hoàng nữ (thế hệ 1) đặt tên thời Gia Long còn theo chữ Ngọc (玉), nhưng về sau đều theo ý nghĩa mà đặt. Khi đến tuổi trưởng thành, các Hoàng nữ sẽ nhận danh hiệu Công chúa. Như Hoàng nữ Vĩnh Trinh, có phong hiệu Quy Đức công chúa (歸德公主) vậy.
  • Cháu gái của Hoàng đế (thế hệ 2), tức là con gái của những Công chúa và các Hoàng tử, được gọi là Công Nữ (公女); chắt gái (thế hệ 3) được gọi là Công Tôn Nữ (公孫女); chắt gái (thế hệ 4) là Công Tằng Tôn Nữ (公曾孫女)... để cho gọn, họ thường được rút ngắn lại thành Tôn Nữ với ý nghĩa là cháu gái của các Hoàng đế. Các Tôn Nữ không có phong hiệu.

Bài Đế hệ thi được khắc trong một cuốn sách bằng vàng (kim sách), cất trong hòm vàng (kim quỹ) để lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, các bài Phiên hệ thi cũng được khắc trong các cuốn sách bằng bạc.

Năm 1945, khi vua Bảo Đại thoái vị đã nộp lại cho Chính phủ Việt Minh ấn kiếm và kim sách Đế hệ thi. Hiện nay, kim sách Đế hệ thi đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Sách làm theo khổ chữ nhật đứng, gồm 13 tờ vàng, gồm bìa trước và sau chạm hình rồng bay trong mây và 11 tờ ruột khắc sách văn, gáy đóng 4 khuyên tròn. Ngày 31 tháng 3, năm 2016, sau nhiều thăng trầm lịch sử, lần đầu tiên kim sách Đế hệ thi đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia đưa ra giới thiệu tới quảng đại công chúng trong cuộc trưng bày chuyên đề "Bảo vật hoàng cung - Kim sách Triều Nguyễn (1802 - 1945)"[4].